Đồ chơi xe cũ

Tìm hiểu về chuẩn CE của quần áo bảo hộ xe máy

Thứ Ba, 01/10/2024
Tuấn Anh
Tìm hiểu về chuẩn CE của quần áo bảo hộ xe máy

Kể từ tháng 4 năm 2018, tất cả quần áo đi xe máy đều thuộc phạm vi điều chỉnh quản lý của PPE. Về cơ bản, nếu quần áo đi xe máy được bán ra ngoài thị trường dưới dạng trang phục bảo hộ xe máy thì sẽ được xem là thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Tất nhiên, những mặt hàng này cần được kiểm định theo một quy trình nghiêm ngặt để đạt chuẩn theo quy định PPE.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu những kiến thức cơ bản về chứng nhận và tiêu chuẩn CE cũng như giải đáp thắc mắc về chuẩn CE có ý nghĩa như thế nào với người tiêu dùng. Từ đó, bạn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt khi mua sắm các mặt hàng này.

Mối liên hệ giữa tiêu chuẩn CE và PPE

Thiết bị bảo hộ cá nhân hay còn gọi là PPE (Personal protective equipment), là những trang bị bảo vệ người lao động khỏi các chấn thương nghiêm trọng tại nơi làm việc. Nguyên nhân của những chấn thương và bệnh tật có thể đến từ việc tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ, vật lý, điện, cơ khí, hoặc các mối nguy hiểm tại nơi làm việc.

Các sản phẩm quần áo bảo hộ xe máy (không tính găng tay, ủng/giày và giáp chống va đập) cũng được nhóm thành “Thiết bị bảo hộ cá nhân” (PPE). PPE chịu sự quản lý của bộ quy tắc cụ thể, tùy thuộc vào cách sử dụng các sản phẩm này và cách chúng được phân loại cũng như nhóm/nhóm con của chúng. Bộ tiêu chuẩn quản lý PPE – cụ thể là quần áo đi xe máy là tiêu chuẩn CE EN 17092, hiện đã trở thành tiêu chuẩn “hài hòa” tại Châu Âu và được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Vì sao lại nói CE EN 17092 là tiêu chuẩn “hài hòa”? Bởi đây là tiêu chuẩn được công nhận và chấp nhận rộng rãi trên toàn EU để chứng nhận mức độ an toàn của quần áo bảo hộ xe máy. Những sản phẩm qua kiểm định đã đáp ứng các yêu cầu an toàn tối thiểu, qua đó người tiêu dùng cũng hiểu rõ mục đích sử dụng của từng sản phẩm.

Về EN 17092 (MAY MẶC)

Sau nhiều năm thảo luận và cân nhắc, WG9 (một tập thể gồm 30-40 đại diện từ châu Âu bao gồm các bên liên quan, nhà sản xuất quần áo hoặc các viện thử nghiệm), đã đưa ra một bộ tiêu chuẩn về cách thức để đạt chuẩn CE cho quần áo bảo hộ xe máy. EN 17092 ra đời với sứ mệnh giúp người lái xe có thể chọn mua những món đồ bảo hộ chất lượng, dù họ không có kiến thức chuyên môn về sản phẩm.

Khác với EN 13595, EN 17092 được áp dụng quần áo bảo hộ xe máy với các phân loại: chạy xe thể thao với tốc độ cao, lái xe đi du lịch đường dài và chạy xe trong nội ô.

Những bộ đồ da liền mảnh hầu như không phải là sự lựa chọn của hầu hết những ai lái xe trong thành phố với khoảng cách gần, tốc độ chậm, dù những bộ đồ da liền mảnh có an toàn hơn đi nữa. Thậm chí, những anh em đi touring cũng không chọn những bộ đồ da nóng bức như thế. Vì thế, đồ bảo hộ xe máy cần phải cân bằng tốt giữa 2 yếu tố: an toàn và thoải mái. Trong đó, việc đảm bảo an toàn cho người mặc là ưu tiên hàng đầu, đồng thời cần phải cân nhắc đến sự thoải mái, khả năng thoáng khí, khả năng chống nước, tính linh hoạt,… và mang đến khả năng bảo vệ phù hợp nhất với từng phong cách lái xe.

Tại sao phải thử nghiệm trên các yếu tố cụ thể?

Cũng giống như EN 13595, tiêu chuẩn EN 17092 có các yêu cầu cụ thể đối với chứng nhận CE. Tiêu chuẩn giải thích những thử nghiệm nào cần được thực hiện và cách thực hiện. Bài viết này sẽ giải thích chi tiết về một vài thử nghiệm trong số đó.

Khả năng chịu mài mòn

Qua thử nghiệm, ta có thể xác định xem vải của sản phẩm có thể chịu được sự mài mòn do va chạm hay không. Nếu vải bị rách một lỗ lớn hơn 5 mm khi được kiểm tra bằng máy AART (một loại máy kiểm tra khả năng chống mài mòn nâng cao) sẽ tương đương với hàng lỗi và tất nhiên không qua kiểm định. Thử nghiệm này được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra xem lớp vải của áo quần bảo hộ có thể chịu được tác động hay không.

Khả năng chống rách

Tại đây, mẫu thử đã được rạch trước một đường, sau đó được “kéo căng ra” thêm. Thử nghiệm này đảm bảo đồ bảo hộ sẽ rất khó để bị rách nhiều hơn nữa dù bị tác động lực mạnh.

Độ kết nối của đường may

Độ bền của đường may được kiểm tra trên các mối nối (ví dụ như mối nối để kết dính phần tay áo với phần thân áo), xem có chắc chắn hay không, có dễ bị xé toạc đường may hay không. Kiểm định sẽ đo lực có thể xé toạc đường may. Nếu sản phẩm đạt yêu cầu ở tiêu chí này, khi người dùng ngã xe và trượt dài trên đường, áo/quần bảo hộ vẫn không dễ dàng bị rời ra ở các khu vực đường may.

Độ co rút

Trong thử nghiệm này, quần áo bảo hộ phải được giặt 5 lần, không phải bằng máy giặt thông thường mà bằng máy giặt dành riêng cho thử nghiệm vải với tốc độ nước, thể tích, tốc độ quay, nhiệt độ,… được quy định sẵn. Mục đích của nó là đảm bảo quần áo không bị co lại khi được giặt hoặc theo thời gian, đảm bảo các miếng giáp bảo vệ trong quần áo luôn ở đúng vị trí. Độ co rút không được quá năm phần trăm, nếu không nó trượt kiểm định.

Độ an toàn của vải

Thử nghiệm đo lường lượng hóa chất được sử dụng trên quần áo (ví dụ như thuốc nhuộm vải) phải có độ pH nằm ở mức an toàn, không gây kích ứng khi tiếp xúc với làn da của người mặc. Ngoài ra, thử nghiệm cũng kiểm tra bất kỳ chất nào bị cho là gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dùng hoặc môi trường.

Về level A, B, C của chuẩn EN 17092

Đối với quần áo bảo hộ xe máy, có thể xếp hạng mức độ an toàn dựa trên những cấp độ: A, B, C. Trong đó:

  • Level AAA/AA/A: vừa chịu va đập, vừa chịu mài mòn.
  • Level B: chỉ có tác dụng chịu mài mòn.
  • Loại C: chỉ có tác dụng chịu va đập.

Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của các level này.

Quần áo loại AAA (EN 17092-2:2020)

Quần áo loại AAA cung cấp mức độ bảo vệ cao nhất khi vừa chịu mài mòn, vừa chịu va đập. Các sản phẩm level AAA sử dụng vật liệu và kết cấu đáp ứng yêu cầu cao hơn so level AA và A, khuyến nghị người lái xe di chuyển với tốc độ dưới 120km/h. Tất cả các vùng được đánh dấu trong ảnh bên dưới đều vượt qua các bài kiểm tra bắt buộc.

Quần áo loại AA (EN 17092-3:2020)

Quần áo loại AA cung cấp khả năng bảo vệ khỏi va đập và mài mòn, sử dụng vật liệu và kết cấu đáp ứng yêu cầu cao hơn so với quần áo được chứng nhận level A và yêu cầu thấp hơn quần áo được chứng nhận level AAA. Các sản phẩm đạt level AA được khuyến nghị đi với tốc độ dưới 75km/h. Tất cả các vùng được đánh dấu trong ảnh bên dưới đều vượt qua các kiểm định bắt buộc.

Quần áo loại A (EN 17092-4:2020)

Quần áo loại A có khả năng chịu va đập và mài mòn ở mức tối thiểu. Những sản phẩm này được khuyến nghị người mặc di chuyển với tốc độ dưới 45km/h để bảo đảm được bảo vệ tốt nhất. Tất cả các vùng được đánh dấu trong ảnh bên dưới đều vượt qua thành công các bài kiểm tra bắt buộc.

Quần áo loại C (EN 17092-6:2020)

Các sản phẩm level C chỉ có khả năng chịu va đập. Sản phẩm thường được thiết kế dưới dạng quần áo lót (CU) hoặc quần áo ngoài (CO) với tác dụng bao phủ các khu vực có khả năng chịu va đập. Quần áo loại C có thể mặc kết hợp với quần áo loại A, B để nâng cao khả năng bảo vệ.

Các tiêu chuẩn CE khác ngoài quần áo bảo hộ xe máy

Mặc dù trọng tâm của bài viết này nói về chuẩn CE dành cho quần áo bảo hộ xe máy, nhưng chúng tôi cũng thông tin đến bạn một vài tiêu chuẩn CE khác dành cho các sản phẩm bảo hộ xe máy:

Boots bảo hộ xe máy: cần đạt chuẩn EN 13634:2017.

Giáp khuỷu tay, gối, hông, vai: cần đạt chuẩn EN 1621-1:2012.

Giáp lưng: cần đạt chuẩn EN 1621-2:2014.

Giáp ngực: cần đạt chuẩn EN 1621-3:2018.

Đồ bảo hộ chịu va đập không phải là quần áo nên chúng có tiêu chuẩn riêng. Việc chứng nhận các sản phẩm bảo hộ dựa trên bộ tiêu chuẩn phù hợp theo mục đích sử dụng là cực kỳ quan trọng.

Tiêu chuẩn CE có thời hạn 5 năm kể từ thời điểm sản phẩm được chứng nhận, được công bố trên Tạp chí chính thức của Ủy ban Châu Âu. Do đó, chuẩn CE đã được chấp nhận rộng rãi, được áp dụng trên quần áo bảo hộ xe máy tại thị trường châu Âu (thậm chí ở các thị trường khác trên toàn cầu).

Nguồn: ls2helmets.vn

Viết bình luận của bạn
0
Bạn chưa có sản phẩm yêu thích nào!
Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ